Theo Datamoniter, từ năm 2004 - 2009, thị trường thực phẩm đóng hộp ở Việt Nam luôn tăng trưởng ở mức hai con số, bình quân khoảng 12,9%/năm, trong đó thịt đóng hộp dẫn đầu, chiếm 50,5% thị phần. Năm 2013 thị trường đã có dấu hiệu phục hồi so với sự chậm tăng trưởng của mặt hàng này những năm trước đó.
Theo đó, dù chưa thoát khỏi quy mô vừa và nhỏ nhưng các doanh nghiệp (DN) trong ngành thực phẩm đóng hộp đã khẳng định vị trí khi tung nhiều mặt hàng từ thịt, cá, hải sản đến rau củ quả ra thị trường với mức giá khá cạnh tranh.
Trước đây, thị trường dường như chỉ có là Công ty CP Đồ hộp Hạ Long (Halong Canfoco), Công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) so kè trực tiếp với các mặt hàng nhập khẩu.
Hiện nay, thị trường ghi nhận sự gia nhập của những DN trong nước như: Công ty SX Thực phẩm Công nghệ Bảo Long (Havi), Công ty CP Thủy đặc sản - Seaspimex và sự góp mặt đồng thời của một số nhãn hàng riêng thuộc các hệ thống bán lẻ như Co.opmart, BigC... Gần đây, tại các hệ thống bán lẻ như BigC, Co.opmart, Maximart, Citimart, thực phẩm đóng hộp của các thương hiệu trong nước ngày càng nhiều.
Một nghiên cứu từ Euromonitor cho thấy, doanh số bán hàng thực phẩm đóng gói, bao gồm thực phẩm đóng hộp được dự kiến sẽ tiếp tục phát triển trong giai đoạn 2011-2016. Mức tăng trưởng này sẽ tỷ lệ thuận với quá trình đô thị hóa và dự báo, khi thị trường mở rộng chắc chắn sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho ngành thực phẩm đóng gói với lợi thế là nước có thế mạnh về nông nghiệp.
Trong vai trò là nhà sản xuất thực phẩm đóng hộp, ông Huỳnh Văn Hải, Tổng giám đốc Công ty SX Thực phẩm Công nghệ Bảo Long (Havi), chia sẻ, lợi thế của thực phẩm đóng hộp nội địa là giá thành thấp, do nguồn nguyên liệu dồi dào, đây được xem là yếu tố cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh trên thị trường, trước tiên DN phải xét đến quy mô đầu tư và đây lại là điểm yếu của đa số DN trong nước.
Một nhà máy sản xuất thực phẩm đóng hộp như cá, thịt, rau củ với quy mô đầu tư khoảng 5 - 7 tỷ đồng thì không đủ sức để vươn ra thế giới, vì ít nhất đầu tư một nhà máy bài bản cũng cần từ 30 - 40 tỷ đồng. "Vay ngoài đã khó, vay với lãi suất ưu đãi từ Nhà nước còn khó hơn, nên DN vẫn loay hoay với bài toán đầu tư mới", ông Hải nói.
Vấn đề của các DN mới là vậy nhưng tình hình của các DN đầu tư lâu trong lĩnh vực này cũng không mấy vượt trội. Bởi theo báo cáo tài chính năm 2013 của Công ty CP Đồ hộp Hạ Long (Halong Canfoco) được công bố tháng 4/2014, kế hoạch đầu tư năm 2014 vào máy móc thiết bị của hệ thống lạnh, máy móc thiết bị chế biến... dự kiến năm nay cũng chỉ khỏang 10 tỷ đồng.
Trong khi đó, đối thủ của Halong Canfoco là Vissan lại ngày càng đa dạng hóa sản phẩm dưới nhiều dạng như thực phẩm tươi sống, đóng gói... chứ không chỉ chuyên sâu mỗi phân khúc đồ hộp.
Trước thực trạng này, theo đánh giá của một số DN trong ngành, sức ảnh hưởng của đồ hộp của Vissan ra thị trường không còn mạnh như trước, Halong Canfoco cũng đang rơi vào trường hợp trương tự khi vừa thiếu máy móc, thiết bị và vừa thiếu cả vốn đầu tư. Dù trước mắt, thị trường đồ hộp nội đang lên ngôi với mức tăng trưởng tốt.
Theo BMI dự báo ngành công nghiệp thực phẩm đóng hộp của Việt Nam sẽ tăng 24,2% về lượng và 48,7% về giá trị doanh số bán hàng vào năm 2014. Nguyên nhân chủ yếu là do cuộc sống bận rộn cùng với lối sống hiện đại ở các thành phố lớn dẫn đến nhu cầu về các loại thực phẩm chế biến sẵn ngày càng gia tăng.
Người tiêu dùng ngày nay đang có xu hướng quan tâm và nhận thức tốt hơn về nguồn gốc và vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Do đó, những lo lắng cho sức khỏe cũng sẽ khuyến khích người tiêu dùng mua thực phẩm chế biến nhiều hơn. Trong khi đó, người lao động ở các thành phố đang có xu hướng ít đi ăn nhà hàng hơn mà thay vào đó là lựa chọn những loại thực phẩm đóng hộp và chế biến sẵn để tiết kiệm chi phí sinh hoạt.